Khớp cắn răng và chức năng khớp cắn
Khớp cắn răng là tình trạng tĩnh tương ứng với tất cả những tiếp xúc có thể có giữa các răng đối diện. Chức năng khớp cắn là mối liên liên quan động (tĩnh và động) của những răng này.
Khớp cắn ở tư thế lồng múi tối đa (LMTD) tương ứng với tình trạng cài khít tối đa của 2 hàm. Và nó tạo nên tư thế qui chiếu.
Điểm bắt đầu và điểm đến của chuyển động hàm dưới, khớp cắn răng tạo ra quan niệm về sự khép hàm và dường như hợp với thuật ngữ khớp răng (khớp răng thật sự là dây chằng quanh răng nằm giữa xi măng răng và xương ổ răng).
Miêu tả cơ quan răng sau đó là cung răng cho phép nghiên cứu mối liên quan giữa 2 hàm và định nghĩa quan điểm khớp cắn bình thường.
1. Cơ quan răng:
Răng được miêu tả từ lâu gồm có: thân răng (ngà và men răng) và chân răng (ngà, xi măng chân răng), ở giữa có một khoang tủy. Ngày nay người ta thay bằng 1 quan niệm rộng hơn là cơ quan răng mà nó bao gồm:
Răng (men, ngà, xi măng) có nguồn gốc từ nang răng.
Tổ chức quanh răng gồm: Xi măng và dây chằng quanh răng biệt hóa từ túi răng, và xung quanh đó là xương ổ răng.
Răng:
2 yếu tố quyết định nên tính đặc trưng của mỗi răng là: mặt thân răng chịu tác động trực tiếp của những lực sang chấn, và trục chân răng có vai trò chống đỡ và truyền những lực này.
Mặt nhai:
Mặt nhai là phần hoạt động của thân răng (nó phải đáp ứng yêu cầu ổn định chức năng và hoạt động nhai), nó cấu tạo bởi những rãnh và múi. Có thể là một múi (răng nanh) hay nhiều múi (răng cối lớn và cối nhỏ) hay thành bờ cắn (răng cửa).
Múi răng: (xem thêm tại đây): Người ta phân làm 2 loại:
– Múi tựa: múi trong hàm trên, múi ngoài hàm dưới. Tiếp khớp với chính giữa hố (trũng) của răng đối diện, trục của múi răng trùng với trục của răng đối diện. Nó giúp duy trì chiều cao đứng của khớp cắn. Nó có vai trò như là một đầu chày trong một cái cối.
– Múi hướng dẫn: múi ngoài hàm trên, múi trong hàm dưới. Nó bảo vệ má và lưỡi, vén má và lưỡi ra xa khỏi múi tựa. Nó có vai trò như là thành của cối.
Múi răng có hình cầu, tạo thành tiếp xúc dạng điểm khi các răng đối diện tiếp khớp với nhau.
Những tiếp xúc dạng điểm này cho phép:
– Truyền lực nhai theo trục răng.
– Chèn và ổn định các răng.
– Giảm mặt tiếp xúc tạo điều kiện để thức ăn thoát, và hạn chế mòn răng.
– Đạt được hiệu quả nhai tối đa trong khi làm việc tối thiểu.
Ngược lại, nếu các múi răng bị mòn phẳng đi, làm tăng mặt tiếp xúc, thì nói chung không ổn định, tăng tốc độ mòn và nhai kém hiệu quả.
Diện nhai rất đa dạng, có thể thành múi rãnh rõ hoặc là bị mòn phẳng đi. Độ nghiêng của sườn múi đóng vai trò quan trọng, sườn múi dốc sẽ cải thiện hiệu quả nhai và giúp ổn định khớp cắn ở tư thế lồng múi tối đa nhưng sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện cản trở cắn.
Cân bằng khớp cắn lý tưởng phải thỏa mãn 2 yêu cầu đối nghịch nhau: múi rãnh răng rõ nhưng không có cản trở nhai.
Rãnh:
Giữa 2 múi răng có một rãnh chính, giữa 3 múi răng thì có một hố (trũng). Rãnh chính sẽ tách ra các rãnh phụ đi trên mặt múi răng, giúp tăng hiệu quả nhai và tạo đường thoát cho thức ăn. Hướng và vị trí của những rãnh này tạo điều kiện cho vận động sang bên của múi R đối diện, tránh tạo ra cản trở cắn (ví dụ: rãnh ngoài xa của răng 6 hàm dưới sẽ tạo chỗ để múi trong gần R6 trên đi qua khi đưa hàm sang bên ).
Trục chân răng:
Thân răng được đỡ bởi chân răng, chân R cắm trong xương ổ răng. Hình thể và số lượng chân R phụ thuộc vào lực tác động lên mặt nhai. Ví dụ răng cối lớn trên, cắm chắc vào xương ổ, có hình thể chân R rất đặc biệt, tạo thành kiềng 3 chân, khi 3 chân răng chụm lại thì sẽ làm giảm đáng kể sự ổn định của răng.
2. Tổ chức quanh răng:
Tổ chức quanh răng đảm bảo mối liên quan chặt chẽ giữa răng và xương ổ. Nó bao gồm: lợi, xi măng gốc răng, dây chằng quanh răng và xương ổ răng. Nó có vai trò như là một bộ nhún và một bộ nhận cảm rất đặc biệt .
Lợi:
Lợi là tổ chức quanh răng nông, là tổ chức biểu mô – liên kết bám dính có nhiệm vụ đảm bảo độ kín xung quanh thân răng, cách ly chân răng hoàn toàn khỏi môi trường bên ngoài, có tác dụng bảo vệ tổ chức quanh răng bên dưới.
Xi măng gốc răng:
Là tổ chức vôi hóa biệt hóa cao quanh chân răng:
– Là chỗ bám vào răng của những sợi dây chằng quanh răng.
– Có vai trò quan trọng trong việc điều trị những tổn thương gốc răng. Tuy nhiên tác dụng của lực nhai đối với sự bồi phụ xi măng và sự phát triển liên tục để bù lại quá trình mòn mặt nhai vẫn đang còn bàn cãi.
Dây chằng quanh răng:
Khoảng dây chằng quanh răng chứa một hệ thống dây, mạch máu, thụ cảm phức tạp.
Dây chằng quanh răng có bản chất là những sợi collagen không đàn hồi, nó bám vào chân răng, vào lợi và vào xương ổ răng. Người ta chia thành:
– Sợi trên xương ổ răng (sợi cổ răng): tăng cường cho biểu mô bám dính, và cùng với biểu mô bám dính tạo thành bám dính biểu mô – mô liên kết bảo vệ tổ chức sâu bên dưới: xương ổ, dây chằng quanh răng.
– Sợi xương ổ răng: nằm ngang, vuông góc với trục răng, nhất là ở 2/3 chân răng. Những sợi này có vai trò cơ học rất quan trọng: dung nạp lực theo chiều đứng (lực tác động theo trục răng), truyền lực vào xương ổ răng dưới dạng lực kéo (xương ổ răng dung nạp với lực kéo tốt hơn là với lực nén).
– Sợi chóp răng: đi từ đáy của xương ổ răng đến xi măng gốc răng.
Mạch máu:
Hệ thống mạch máu của khoảng dây chằng quanh răng là một hệ thống rất giàu và phức tạp và có nhiều nguồn gốc: lợi, xương ổ răng, chóp răng. Hệ thống này có nhiệm vụ nuôi dưỡng và tham gia vào hệ thống giảm chấn chống lại những lực cơ học (phanh thủy tĩnh).
Những thụ thể cảm giác:
Những thụ thể có mặt với số lượng lớn trong vùng dây chằng quanh răng. Nó có nhiệm vụ điều hòa lực tác dụng trên răng, nó đặc biệt nhạy cảm với cường độ, tốc độ và hướng tác động của lực sinh lý (những lực không có hại) tác động lên thân răng (nhất là những răng cửa trước) có vai trò quan trọng trong nhận cảm của khoang miệng).
Nó có thể nhận ra được một vật có chiều dày từ 1 – 3/ 100 mm hay từng Gram lực tác động. Sự nhận cảm này theo chiều ngang thì tốt hơn là theo chiều đứng.
Nó đảm bảo sự thích ứng chức năng của tổ chức quanh răng với những lực cơ học tác động lên nó. Sự thích ứng biểu hiện bằng dày xương, xi măng chân răng hay sự biệt hóa mới của những sợi dây chằng quanh R.
Xương ổ răng:
Xương ổ R có thể co giãn chức năng và sinh học. Nó sinh ra và mất đi cùng với răng. Nó tạo nên tổ chức nâng đỡ răng, đồng thời nó chịu tác động của lực nhai qua trung gian của những sợi dây chằng quanh răng. Nó rất nhạy cảm với những thay đổi biên độ theo chiều tác dụng của lực nhai.
Lực nén sẽ làm giảm chiều cao của xương ổ R, nhưng lực kéo lại làm tăng chiều cao của xương ổ răng:
– Ở hàm trên thì phía lưỡi cao hơn là phía tiền đình.
Hàm dưới thì ngược lại: chiều xương ổ răng phía tiền đình thì lớn hơn phía lưỡi.
Điều trị chỉnh nha đã áp dụng nguyên lý này: tiêu xương xuất hiện ở phía bị nén, tạo xương xuất hiện ở phía có lực kéo.