Nguyên nhân đổi màu răng và xử trí

Nguyên nhân đổi màu răng và xử trí

 Răng đổi màu có thể do nhiều nguyên nhân và có nhiều biện pháp xử lý khác nhau

Các phương pháp giúp cải thiện màu răng bị nhiễm màu

            “Cái răng cái tóc là góc con người”. Tuy nhiên, không phải ai sinh ra cũng có ngay một hàm răng đẹp. Bên cạnh đó, khi tuổi tác lớn dần hay do những thói quen khác như hay dùng các thức ăn, nước uống có màu sậm, hút thuốc lá… sẽ làm cho màu răng ngày càng sậm dần. Sau đây xin nêu một số nguyên nhân gây sậm màu răng và các phương pháp giúp cải thiện màu răng 

Nguyên nhân đổi màu răng: Răng bị nhiễu màu thường do nhiều nguyên nhân:

Do yếu tố ngoại sinh: hút thuốc lá, uống trà, cà phê, ăn trầu… hay sự ngấm dần lâu dài của chất màu có trong thực phẩm trong quá trình ăn nhai thì răng cũng ngả màu.

Do yếu tố nội sinh:

– thuốc kháng sinh: một số loại kháng sinh thường được dùng trước đây nhóm tetra. Nếu bà mẹ uống các loại thuốc này khi đang mang thai hay trẻ nhỏ uống thuốc này trước 7 – 8 tuổi thì có thể làm răng sậm màu, mức độ sậm màu tùy thuộc vào thời điểm và thời gian dùng thuốc, liều lượng và loại thuốc. Màu răng có thể trở nên vàng, nâu hay xám xanh. Sự thay đổi này có thể xảy ra trên toàn bộ răng hay chỉ có một vùng răng nào đó, làm răng có những dải màu khác nhau. Trong trường hợp nặng, răng có thể bị lỗ chỗ, khiếm khuyết mất đi hình dáng bình thường của nó.

Việt Nam là nước có nhiều bệnh nhân có răng bị nhiễm tetra, đó là do hậu quả của chiến tranh mà vào thời điểm đó thầy thuốc không có nhiều kháng sinh để lựa chọn và thường xuyên cho bệnh nhân của mình dùng tetra.

– Fluor: là một chất hóa học có khả năng chống sâu răng, vì vậy nó thường được thêm vào kem đánh răng, sữa, nước máy… và nó cũng có trong tự nhiên như trong nước giếng… Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai hay trẻ em uống phải quá nhiều thì cũng gây nên đổi màu răng, răng có thể bị những vết nâu hay trắng đục, nặng thì có thể gây khiếm khuyết cấu trúc men răng. Răng bị nhiễm fluor gọi là fluoro.

– Các bệnh lý ở răng: sâu răng, viêm lợi, viêm chân răng, chết tủy, là những yếu tố tác động làm ngả màu răng. Sự hoạt động của các vi khuẩn gây bệnh, cộng với chất cặn bã của thức ăn được lên men trong nước bọt sẽ làm cho men răng bị ảnh hưởng.

Các phương pháp cải thiện màu răng

Có nhiều phương pháp cải thiện màu răng, do bệnh nhân hoặc bác sĩ nha khoa thực hiện. Có thể áp dụng các phương pháp này riêng lẻ hay kết hợp với nhau. Nói chung có 2 cách làm thay đổi màu răng (chú ý : đây là hai cách không làm mất mô cứng của răng (không mài răng):

– Lấy vôi ( cao răng) :Đây là phương pháp lấy đi các vết dính sậm màu trên răng bằng dụng cụ cạo vôi và đánh bóng răng. Việc này phải do bác sĩ nha khoa thực hiện. Thường gọi là lấy cao răng, lấyvôi răng hay làm sạch răng…

– Tẩy trắng răng: Đây là phương pháp sử dụng các thuốc tẩy trắng răng hay kem đánh răng, kẹo cao su có chất tẩy trắng để làm màu răng sáng hơn. Phương pháp này có thể do bác sĩ nha khoa thực hiện hoặc bệnh nhân thực hiện dưới sự kiểm soát của bác sĩ. (Đặc biệt tránh việc tự mua thuốc về thao tác, có thể gây sưng viêm, phỏng nướu do thao tác không đúng cách…).

Tẩy trắng răng là phương pháp hiệu quả và nhanh chóng mang lại sự thẩm mỹ toàn diện cho hàm răng và khuôn mặt. Hiện nay được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và hoàn toàn vô hại, không làm hư hại men răng cũng như không gây ảnh hưởng trên sức khỏe toàn thân. Đối với những trường hợp nhiễm màu nhẹ thì ta có thể dùng phương pháp tẩy răng thông thường. Nhưng với những trường hợp răng bị nhiễm màu nặng và không thể tẩy răng được thì trám răng bằng composite là lựa chọn tối ưu. Đây là cách thường được áp dụng cho những trường hợp răng mất men nhiều, đen sậm màu, không có khả năng hồi phục độ sáng trắng bằng các phương pháp khác.

( Theo sức khỏe và đời sống)

Tẩy trắng răng là gì ?

Tẩy trăng răng ( hay làm trắng răng ) là quá trình làm màu răng sáng hơn (trắng hơn so với màu răng ban đầu). Để làm màu răng sáng hơn, người ta dùng hóa chất hoặc kết hợp hóa chất với năng lượng ánh sáng để làm răng trắng ra bằng phản ứng oxy hóa cắt đứt các nối đôi của chất hữu cơ tạo màu trong răng.
Hiện nay, các bác sĩ nha khoa thực hiện công việc tẩy trắng răng chủ yếu theo hai phương pháp:
+ Tẩy trắng tại nhà bằng hóa chất ( thuốc tẩy trắng ).
+ Tẩy trắng tại các trung tâm nha khoa bằng hóa chất kết hợp với năng lượng ánh sáng ( đèn Halogen ,đèn Plasma, đèn Laser..)
Cả hai phương pháp này đều có Bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt hướng dẫn và theo dõi thực hiện công việc tẩy trắng.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT TRƯỚC KHI TẨY TRẮNG RĂNG:   

–       Tình trạng nướu và bệnh răng miệng phải được điều trị trước.

–       Bản chất răng sẽ vàng theo thời gian và tuổi tác.

–       Do cấu trúc men và sự khoáng hóa khác nhau ở mỗi người nên tạo ra kết quả tẩy trắng răng khác nhau. Thống kê cho thấy 90% đạt kết quả như mong muốn, 10% sẽ không đáp ứng được hoặc đáp ứng kém. Như trường hợp nhiễm Tetra nặng sẽ không đáp ứng tốt.

–       Những vùng canxi hóa thấp men răng trắng không đồng đều, khi tẩy sẽ cho kết quả không đồng đều. trong trường hợp này nên nghe theo lời khuyên của BS.

–       Những miếng trám cũ, cầu, mão răng sẽ không đáp ứng với thuốc tẩy trắng nên thay sau khi tẩy trắng răng.

–       Kinh nghiệm cho thấy nếu tẩy trắng tại phòng mạch, sau 12- 24 giờ răng bạn sẽ trắng hơn nhưng sau đó sẽ sậm lại từ từ và sẽ ổn định sau 2 tuần.

–       Các chuyên gia khuyên rằng nên chờ 2 tuần sau khi tẩy trắng răng mới tiến hành trám răng vì màu sắc ổn định hơn và chắc chắn chất tẩy trắng đã phóng tích khỏi men và ngà răng vì lượng chất tẩy còn lại trong lại trong răng sẽ ngăn cản quá trình kết dính của composite.

–       Phải có sự kiểm soát cẩn thận màu của BS để tránh trường hợp răng bị tẩy quá mức.

–       Một số vết dính trên men răng không đáp ứng với tẩy trắng răng do điểm ố màu quá sậm có thể sử dụng Opalustre để tạo lớp bào mòn trước khi tẩy.

Một số phương pháp làm răng thẩm mỹ  tẩy trắng răng bằng thuốc

            Những răng dự định tẩy trắng cần được kiểm tra phát hiện sâu răng để hàn kín trước khi tẩy. Bệnh nhân được nha sĩ lấy khuôn răng, sau đó đổ mẫu thạch cao, trên phủ một lớp composite mỏng ở vị trí định tẩy. Mẫu được đưa tới xưởng để ép một máng plastic trong suốt, cắt khít theo chu vi cổ răng. Khi bệnh nhân đeo máng này, sẽ không ai phát hiện ra vì màu trong của nó. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn cách bơm thuốc vào trong máng rồi đưa vào hai hàm răng, thuốc sẽ nằm trong khoảng giữa máng và răng.  

   Thời gian đeo máng trong miệng phụ thuộc vào nồng độ thuốc và quy định của nhà sản xuất, thường từ 4 đến 10 giờ một ngày. Trong thời gian đeo máng, bệnh nhân không được ăn nhai nhưng có thể uống bình thường. Khi lấy máng ra, phải dùng bàn chải răng cọ sạch máng và chải sạch răng.

Ưu điểm:

Có thể dùng cho tất cả mọi người, không phải mài răng.

Nhược điểm: Chỉ tác dụng làm trắng răng, không chỉnh sửa được răng lệch lạc và sứt mẻ. Trong thời gian tẩy, bệnh nhân thấy hơi buốt răng.

Tẩy trắng răng bằng thuốc kết hợp ánh sáng laser

Các răng sắp tẩy cũng được khám phát hiện và hàn kín lỗ sâu. Nha sĩ sẽ tẩy răng ngay tại phòng khám. Một tấm cao su mỏng sẽ được đục lỗ để các răng chui qua, tấm này có tác dụng bảo vệ lợi không tiếp xúc với thuốc. Thuốc tẩy răng được bôi lên mặt ngoài các răng, sau đó mặt răng được chiếu laser. Các phân tử thuốc bị ánh sáng kích thích sẽ ngấm vào răng nhanh hơn. Sau 60 đến 90 phút, răng bạn sẽ trắng ra. Phương pháp này có ưu điểm là đạt được kết quả nhanh chóng nhưng đắt tiền hơn phương pháp tẩy răng bằng thuốc thông thường.

Dùng mặt dán veneer trên mặt ngoài các răng

Răng được mài mặt ngoài 0,3 mm, được khía các vạch trên mặt răng, sau đó được phủ mặt veneer sứ hoặc composite.

Ưu điểm:

Tạo được màu răng mong muốn, có thể điều trị những sứt mẻ nhỏ ở men răng (ví dụ răng thiểu sản men).

Nhược điểm:

Chỉ thực hiện được với người có hàm răng đều và tương đối đều, không áp dụng được với răng khấp khểnh và sứt mẻ nhiều. Bệnh nhân không được cắn thức ăn cứng (ví dụ xương…) vào răng phủ veneer vì dễ vỡ mẻ.

Làm răng sứ

Bác sĩ làm chụp bọc răng. Răng được mài nhỏ đi, mỗi mặt bị mài từ 0,5 đến 1,5 mm. Trường hợp răng mọc lệch, khấp khểnh nhiều thì cần mài nhiều hơn. Răng mài nhiều có thể cần được điều trị tủy. Có nhiều loại chụp:

–       Chụp sứ toàn phần đạt thẩm mỹ cao nhất, thường làm với răng cửa và răng nanh.

–       Chụp sứ lõi kim loại thường làm với răng hàm lớn và răng hàm nhỏ.

–       Chụp thép cẩn nhựa áp dụng cho các răng ở hàm trên (thẩm mỹ kém hơn răng sứ). Răng nhựa toàn bộ có ưu điểm rẻ tiền nhưng độ bền kém và dễ có mùi hôi.

Ưu điểm:

Tạo được màu trắng và hình thể răng như ý muốn. Là phương pháp có tính thẩm mỹ cao nhất.

Nhược điểm:

Phải mài răng, có thể phải điều trị tủy răng. Giá thành tương đối cao.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
Hotline: 0903434340
Zalo: 0903434340